1. Viễn thị là gì?

Viễn thị là tình trạng khi mắt không thể nhìn rõ các vật ở gần, nhưng lại có thể nhìn rất rõ các vật thể ở xa. Viễn thị có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung của người bệnh. Trong một số trường hợp viễn thị nghiêm trọng, bệnh nhân chỉ có thể nhìn thấy những thứ ở khoảng cách rất xa, các vật ở gần mắt không thể điều tiết hoàn toàn được, mắt nhìn mờ, để lâu dễ dẫn đến nhược thị. Viễn thị là tật khúc xạ có thể di truyền trong gia đình. Triệu chứng của tật viễn thị khá giống với tật lão thị ở người già.

Viễn thị là tình trạng khi mắt không thể nhìn rõ các vật ở gần

Nguyên nhân của tật viễn thị là do giác mạc dẹt quá hoặc trục trước – sau của cầu mắt ngắn quá, khiến hình ảnh không hội tụ ở võng mạc giống như mắt bình thường mà hội tụ ở phía sau võng mạc. Một thấu kính lồi phù hợp có thể giúp bệnh nhân viễn thị điều chỉnh điểm hội tụ về đúng võng mạc.

2. Lão thị là gì?

Lão thị thường xuất hiện ở độ tuổi 40 trở đi hoặc đôi khi sớm hơn hoặc muộn hơn, tuy nhiên càng nhiều tuổi thì tật lão thị càng trở nên nặng hơn. Cơ chế chính xác của tật lão thị vẫn chưa được hiểu rõ một cách chắc chắn, nhưng có thể thấy rõ ràng nguyên nhân là do sự xơ cứng của thủy tinh thể làm giảm sự đàn hồi.

Dấu hiệu nhận biết chứng lão thị là không nhìn thấy rõ chi tiết các vật ở trong tầm tay (ví dụ như vân tay, chữ trên điện thoại, sách báo, đồng hồ…). Đặc biệt trong điều kiện ánh sáng yếu, người bị lão thị gần như không đọc được các chi tiết này và nếu muốn nhìn rõ phải đưa ra xa mắt, khoảng cách ngày càng xa hơn tùy theo mức độ lão thị. Bệnh nhân khi nhìn cần ánh sáng nhiều hơn, mắt phải nheo lại nhưng không duy trì được lâu mà phải dừng lại vì mỏi mắt, chảy nước mắt, nhức đầu.

 

3.Viễn thị khác lão thị như thế nào?

Viễn thị và lão thị có điểm chung đều là tình trạng khúc xạ mà khi đó mắt có thể nhìn rõ các vật ở xa nhưng lại gặp khó khăn khi nhìn các vật ở gần. Sự khác nhau của hai bệnh này đến từ nguyên nhân và độ tuổi mắc bệnh.

  • Đối với viễn thị thì đây là một tật khúc xạ có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào và nguyên nhân là do giác mạc quá dẹt hay trục trước – sau của cầu mắt quá ngắn khiến cho hình ảnh không được hội tụ tại võng mạc mà lại hội tụ sau võng mạc. Bệnh có khả năng di truyền trong gia đình.
  • Đối với lão thị, đây không phải là tật khúc xạ mà là một hiện tượng xảy ra do sự lão hóa của cơ thể, điều này chỉ xảy ra với người trên 40 tuổi.

Nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh hiện vẫn chưa được làm rõ nhưng điều dễ nhận ra là khi về già sẽ xuất hiện tình trạng xơ cứng thủy tinh thể từ đó làm giảm sự đàn hồi của võng mạc. Dẫn đến hình ảnh khi nhìn gần sẽ rất kém, còn nhìn xa thì hình ảnh có thể khá hơn.

4.Cách điều trị viễn thị

Ở trẻ em bị viễn thị với số Diop nhất định thường không cần điều trị vì mắt của trẻ lúc này khá linh hoạt và bệnh sẽ được cải thiện từ từ khi trẻ lớn dần, nhưng nên dưới sự theo dõi của bác sỹ nhãn khoa, vì trẻ dễ bị nhược thị nếu phát hiện viễn thị trễ hoặc vì được mang kính trễ.

Với người lớn có thể mang kính hoặc phẫu thuật để trị viễn thị.

  • Kính: có thể mang kính gọng, contact lens
  • Phẫu thuật có thể không an toàn như đeo kính vì có khả năng mang đến số biến chứng: nhiễm trùng, khô mắt, tầm nhìn bị điều chỉnh quá mức, nhìn thấy quầng sáng xung quanh đèn, hoặc có thể bị mù. Phẫu thuật có thể là phẫu thuật giác mạc hoặc thủy tinh thể tùy từng trường hợp cụ thể.

5.Những lưu ý khi bị viễn thị

Một số điều bạn cần lưu ý khi bị viễn thị như sau:

  • Luôn nhớ sử dụng kính để đảm đảm bảo an toàn sinh hoạt và công việc nếu kính là phương pháp điều trị bạn lựa chọn.
  • Cần mang kính có độ thích hợp ở người lớn. Còn trẻ em nên được khám và theo dõi ở cơ sở y tế , trong trường hợp cần phải mang kính để tránh bị nhược thị.
  • Cần cẩn thận trong đi đứng, sinh hoạt hàng ngày: Việc bạn không nhìn rõ những vật gần xung quanh sẽ có thể gây khó khăn trong sinh hoạt thậm chí nguy hiểm nếu bạn va vào hoặc dẫm phải những vật như đinh, dao, vật sắc nhọn,… có thể gây tổn thương cho bạn.
  • Đi thăm khám bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị ngay sau khi phát hiện bệnh.
  • Viễn thị có thể di truyền trong gia đình, triệu chứng của bệnh này khá giống với lão thị ở người lớn tuổi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *