Bảo quản kính

Mắt kính thường dễ dàng bị dính vết bẩn, dấu vân tay hoặc mờ hơi nước… Nếu bạn từng băn khoăn làm thế nào để giữ gìn mắt kính của mình ở tình trạng tốt nhất cho đến lần kiểm tra mắt tiếp theo, bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách bảo quản kính tốt hơn.

1. Tránh tháo kính bằng một tay

Tháo kính nhẹ nhàng bằng hai tay sẽ giữ cho hai bên gọng luôn thẳng và ngay ngắn.

Tháo kính bằng một tay làm xô lệch gọng và khiến chúng trở nên lỏng lẻo.

2. Không gài kính lên đầu

Việc làm này có thể khiến gọng bị biến dạng. Hơn nữa, kính rất dễ bị tuột khỏi tóc bạn, rơi xuống và khiến mắt kính bị xước.

3. Tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao 

Các loại gọng kính làm bằng chất liệu celluloid và mắt kính làm bằng nhựa tổng hợp thường bị biến dạng ở nhiệt độ khoảng 600C, bị nóng chảy ở nhiệt độ trên 1700C. Vì vậy, không được đặt kính gần các vật có nhiệt độ cao như bếp ga, lò nướng, lò sưởi, bàn là nóng… Không được rửa kính bằng nước nóng, không sử dụng kính khi tắm hơi hoặc dung máy sấy, lò sấy để làm khô kính.

 

4. Sử dụng khăn lau mềm dành riêng cho mắt kính

Bạn có thể dễ dàng mua những khăn lau này tại cửa hàng bán kính mắt, hiệu thuốc hay siêu thị với giá khá rẻ. Khi vệ sinh mắt kính, xả chúng dưới vòi nước sạch để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn. Nếu không chính lớp bụi bẩn đó sẽ bị chà xát khi lau và làm xước mắt kính của bạn. Một lưu ý nhỏ là tránh xả nước vào những chỗ bản lề vì dễ gây hiện tượng gỉ sét làm hỏng gọng kính. Sau đó, dùng miếng vải mềm nhẹ nhàng lau hai mặt của mắt kính để tránh làm trầy xước mắt, gẫy gọng, đứt sợi nylon (cước), đặc biệt với các loại kính có thể tháo rời mắt.

Tránh dùng những chất liệu sau để vệ sinh mắt kính:

– Vải: nhiều người hay có thói quen dùng quần áo để lau kính. Vải ở quần áo đang mặc có thể bám bụi bẩn và chúng có thể làm trầy xước kính rất nhanh.

– Giấy vệ sinh hoặc giấy ăn: những loại giấy này thực sự không sạch sẽ. Vài loại còn được tái chế lại từ nguyên liệu cũ. Giấy không đủ mềm mại sẽ làm xước mắt kính và những mảnh giấy nhỏ li ti bám trên kính có thể gây ra những căn bệnh về mắt như đau mắt đỏ.

– Khăn lau kính bụi bẩn: Nếu bạn không sử dụng khăn lau, hãy cất chúng vào hộp kính để tránh bám bụi. Những bụi bẩn này sẽ dễ dàng làm xước kính.

5. Sử dụng chai xịt vệ sinh mắt kính chuyên dụng

Tại một số cửa hàng có cung cấp chai xịt vệ sinh mắt kính chuyên dụng. Chỉ cần xịt một lượng nhỏ lên mắt kính và lau nhẹ bằng vải mềm, bụi bẩn sẽ hoàn toàn biến mất. Tham khảo thêm về sản phẩm chai xịt vệ sinh mắt kính chuyên dụng tại cửa hàng của chúng tôi .

6. Mua một bộ dụng cụ sửa kính nhỏ

Bộ dụng cụ sửa chữa gọng kính

Thường khi gọng kính bị lỏng dần sau một thời gian sử dụng, bạn có thể đến cửa hàng mua kính để được siết chặt lại các ốc vít khiến cho kính ngay ngắn hơn. Tuy nhiên, đôi khi việc quay lại các cửa hàng kính hơi bất tiện và nhiều người muốn tự làm thao tác đơn giản này ngay tại nhà. Bộ dụng cụ này có thể dễ dàng mua được tại một số cửa hàng bán kính, hiệu thuốc hoặc siêu thị.

7. Đem kính đi bảo hành một đến hai lần trong một năm

Giống với điều lưu ý bên trên. Mỗi 6 tháng bạn nên quay lại nơi mua kính để người thợ kiểm tra lại gọng kính của bạn. Thợ làm kính sẽ siết chặt các ốc vít trên thân kính, kiểm tra hoặc thay ve kính (miếng đệm tì lên sống mũi) nếu cần thiết. Thường thì các cửa hàng sẽ không thu phí hoặc chỉ thu một số tiền rất nhỏ với những lần bảo hành này.

8. Cất kính vào hộp khi không sử dụng

Khi không sử dụng kính bạn nên để kính ngay ngắn vào hộp đựng kính tránh cho việc để ở ngoài sẽ dễ rơi , va đập, đè vào dẫn đến việc bị xước mắt kính và gãy gọng kính.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *